Chuyện nghề giao hàng: ‘Thà ướt người chứ không để ướt hàng’. "Giữ tiền nhặt được mà không trả lại khiến người ta ăn không ngon, ngủ không yên."
Vào một buổi sáng chủ nhật, khi vẫn còn mơ màng, chị Trần Thị Nhung, nhân viên giao hàng của Ninja Van, nhận được cuộc gọi với giọng nói khẩn thiết từ đầu dây bên kia: "Chị ơi, chị có phải là Trần Thị Nhung không? Em đã chuyển nhầm tiền cho chị... Chị ơi, chị cho em xin lại nhé."
Sau khi kiểm tra tài khoản, chị Nhung phát hiện mình nhận được số tiền 249 triệu đồng, thay vì 249 nghìn đồng như tiền hàng khách cần thanh toán. Chị Nhung đồng ý trả lại số tiền, nhưng vì số tiền quá lớn, chị đã phải nhờ ngân hàng hỗ trợ. Ngay sáng thứ Hai, chị Nhung hẹn gặp khách tại ngân hàng để bàn giao lại số tiền đó.
Chuyện nghề giao hàng: ‘Thà ướt người chứ không để ướt hàng’
Người nhận vô cùng cảm kích, cảm ơn liên tục và đưa chị Nhung 500 nghìn đồng để bày tỏ lòng hậu tạ, nhưng chị Nhung từ chối. Sau đó, cả hai vẫn giữ liên lạc với nhau qua số điện thoại.
"Bạn ấy nói lần đầu tiên gặp được người tốt như vậy vì với bạn, số tiền này là cả một gia tài. Mình cũng nói với bạn ấy rằng, đối với ai cũng vậy, tiền không phải của mình thì không nên giữ. 249 triệu đồng đối với mình là một số tiền rất lớn, nhưng không phải của mình thì giữ lại cũng sẽ không thể ăn ngon, ngủ yên," chị Nhung chia sẻ.
Chuyện nhân viên giao hàng nhặt được đồ của khách không phải hiếm gặp. Có lần là điện thoại, ví tiền, thậm chí cả những đơn hàng của đơn vị vận chuyển khác. Tuy nhiên, thay vì giữ làm của riêng vì "không ai biết," nhiều nữ shipper đã tìm cách trả lại vì "người mất cũng rất khó khăn."
"Một lần, mình nhặt được điện thoại của một chú làm cho Giao hàng Tiết kiệm. Điện thoại không khóa nên mình biết chú ấy đang trong quá trình giao hàng. Sau đó, chú ấy liên lạc để xin lại và gửi tiền cảm ơn, nhưng mình không nhận. Là đồng nghiệp, mình hiểu mất điện thoại trong lúc làm việc sẽ khiến ngày hôm đó trở nên rất tồi tệ," chị Lê Thị Lủa, nhân viên giao hàng của Ninja Van chia sẻ.
Một lần khác, chị Lủa nhặt được chiếc ví của một bạn từ Nghệ An ra Hà Nội làm việc, trong đó có nhiều giấy tờ quan trọng và khoảng 2 triệu đồng tiền mặt. Không có số điện thoại để liên hệ, chị đã đăng thông tin lên nhóm công việc gần đó. May mắn là bạn ấy đã nhận ra và liên hệ để lấy lại. "Dù chỉ là những việc nhỏ, nhưng mình cảm thấy rất vui vì đã giúp được người khác," chị Lủa nói.
Hoàn thành mọi đơn hàng là trách nhiệm.
Nhà neo người, con nhỏ không ai trông, chị Phạm Mã Phụng buộc phải đưa con theo khi đi giao hàng. Có những lần thấy con cùng mình đội nắng đội mưa, chị cũng cảm nhận rõ sự vất vả. Tuy nhiên, chị cho rằng công việc này giúp chị có thời gian linh hoạt hơn so với những công việc khác.
"Cũng vui vì đi đến đâu mọi người cũng nhìn, cũng cười, còn khách hàng thì ai gặp hai mẹ con cũng thương và quý, nên họ vui vẻ nhận hàng", chị Phụng chia sẻ.
Công việc giao hàng với phụ nữ thường bị coi là gian khổ do phải đối mặt với nắng mưa. Tuy nhiên, với những ai làm nghề này, trách nhiệm đưa hàng đến tay khách một cách an toàn là điều không thể lơ là.
Chuyện nghề giao hàng: ‘Thà ướt người chứ không để ướt hàng’
Chị Nguyễn Thị Hà Vân cho biết, khi đã chọn nghề này, chị luôn giữ tinh thần yêu nghề, cố gắng hoàn thành mọi đơn hàng được giao, bất chấp thời tiết nắng, mưa hay giá rét.
Có những hôm mưa bão tháng 7, cả thành phố ngập lụt, nhưng với ý chí không ngại khó, chị Vân vẫn giao từng đơn hàng, đi chân trần không dép. Đoạn đường ngập sâu làm chết máy xe, chị phải dắt bộ nhưng vẫn lạc quan, bảo vệ từng kiện hàng với câu khẩu hiệu vui "người có thể ướt, hàng thì không".
"Khi giao hàng trong cơn mưa bão, khách nào cũng xúc động, hỏi ‘Sao không đợi tạnh mưa rồi giao?’. Nhưng mình nghĩ rằng, đôi khi sự vất vả của mình lại đem đến niềm hạnh phúc cho người khác", chị Vân chia sẻ một cách hứng khởi.
Chính sách cần hướng tới xóa nhòa sự khác biệt.
Với các công ty giao nhận, nơi có sự gia tăng ngày càng cao về số lượng lao động nữ, việc đặt ra các chính sách đảm bảo quyền lợi cho họ trở thành ưu tiên hàng đầu.
Bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng Giám đốc Nhân lực của Công ty Cổ phần đầu tư Scommerce (đơn vị sở hữu Ahamove và Giao hàng nhanh), cho biết rằng lĩnh vực giao hàng và vận tải thường được xem là lãnh địa của nam giới. Việc lao động nữ hằng ngày phải vận chuyển hơn 200 đơn hàng, đi qua những con hẻm nhỏ, thậm chí đến cả các vùng sâu, vùng xa là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
"Bộ phận văn phòng của chúng tôi vào dịp 8/3 năm ngoái đã nhận được hoa từ CEO, và anh ấy xúc động nói rằng: 'Tôi đã nghĩ rằng các chị sẽ không thể trụ lại trong ngành này vì nó quá vất vả.' Thật sự là rất khó khăn. Cá nhân tôi, dù là Giám đốc Nguồn Nhân lực, nhưng vào mùa cao điểm như 11/11 vừa qua, khi các anh chị em trong bộ phận vận hành làm việc xuyên đêm, phân loại hàng hoá và giao nhận, tôi vẫn phải đi tới các bưu cục, kho vận chuyển để thăm hỏi và quan sát tình hình công việc, đến tận 2-3 giờ sáng," bà Trinh chia sẻ.
Chuyện nghề giao hàng: ‘Thà ướt người chứ không để ướt hàng’
Theo bà Trinh, công ty luôn chú trọng phát triển các chính sách thu hút lao động nữ để đảm bảo sự cân bằng giới tính. Bởi vì phụ nữ có những phẩm chất rất đặc biệt như sự chi tiết và tận tâm, điều mà hiếm khi thấy ở nam giới. Trong lĩnh vực dịch vụ, phụ nữ thường có khả năng ứng xử mềm mỏng hơn, dễ dàng làm hài lòng khách hàng hơn.
Hiện tại, lao động nữ chiếm 30% tổng số nhân sự của công ty; riêng tại Giao hàng nhanh, ngoài hai nhà sáng lập, phần lớn các vị trí quản lý đều là phụ nữ. Đội ngũ quản lý nữ tại công ty này chiếm 42%, trong khi trong Ban Tổng Giám đốc, tỷ lệ cân bằng giữa nam và nữ là 50/50.
"Rõ ràng, ngành này không được thiết kế dành riêng cho phụ nữ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc ở nhiều lĩnh vực, tôi nhận thấy phụ nữ có rất nhiều lợi thế. Vì vậy, khi xây dựng các chính sách chi trả và đánh giá hiệu suất, chúng tôi đã xoá bỏ sự chênh lệch giữa hai giới. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia và những đóng góp của họ được công nhận một cách công bằng. Điều này giúp họ tự tin, mạnh mẽ hơn để bước lên các vị trí lãnh đạo," bà Trinh kết luận.