"Bom hàng" khi shipper giao hàng là vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo?
Giao hàng gọi cả chục cuộc điện thoại nhưng khách không bắt máy
Hiện đang làm shipper tại xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau), T.C.B. (23 tuổi) cho biết việc bị "bom hàng" là chuyện thường ngày, hầu như ngày nào anh cũng gặp phải 1-2 trường hợp.
"Bom hàng" khi shipper giao hàng là vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo?
Anh B. chia sẻ: "Có lần, tôi đến giao hàng theo địa chỉ của khách, nhưng có bé gái ra nói rằng nhà này không ai đặt hàng, số điện thoại cũng không phải của người trong nhà. Khi tôi gọi, điện thoại của ai đó trong nhà lại đổ chuông, nhưng họ cố tình không ra nhận."
Có lần, dù đơn hàng chỉ 100.000 đồng nhưng B. phải chạy 8 km để giao, không nhận được tiền mà còn tốn công. Anh B. chia sẻ: "Phần lớn các lý do bom hàng đều tương tự: không có đặt hàng, không có ở nhà, đợi lâu quá nên 'bom'… Bị 'bom' thì xem như ngày đó xui thôi, mình không thể ép ai nhận hàng được."
Võ Tấn Bản, sinh viên tại một trường đại học ở Bình Dương, cũng làm shipper được 1 năm và thường xuyên gặp cảnh "bom hàng." Bản kể: "Hôm đó tôi giao 8 ly trà sữa, tổng giá trị hơn 200.000 đồng. Đến nơi lúc 8 giờ tối, gọi cả chục cuộc nhưng khách không nghe máy, cuối cùng phải báo đơn vị giao hàng xử lý và chia trà sữa cho anh em shipper uống."
Tăng Thiên Quân (22 tuổi), cũng là shipper, cho biết anh thường chọn đơn hàng phù hợp với số tiền có sẵn trong túi. "Hôm nào có 300.000 đồng thì tôi nhận đơn trong khoảng 100.000 - 300.000 đồng. Muốn nhận nhiều đơn hơn thì cần phải có thêm tiền trong túi."
"Bom hàng" khi shipper giao hàng là vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo?
Thiên Quân nói thêm: "Nghề này rất sợ bị bom hàng, dù giá trị cao hay thấp cũng đều lo vì sinh viên đâu có nhiều tiền. Có lần, không có đơn nên tôi liều nhận đơn 500.000 đồng và gặp ngay đơn gà rán hơn 700.000 đồng. May mắn là khách ở chung cư gần đó nên tôi cũng bớt lo."
Dạo gần đây, nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội bị "tẩy chay" khi hợp tác với các nhãn hàng do phát ngôn không phù hợp, dẫn đến hiện tượng "bom hàng" - đặt nhiều đơn hàng rồi không nhận. Một số người cho rằng việc "bom hàng" này là hành động văn minh khi họ sẵn sàng trả tiền ship để giúp "thanh lọc" những người có ảnh hưởng tiêu cực.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Tấn Bản chia sẻ: "Mình không đồng ý với việc này vì không chỉ gây khó khăn cho shipper, đặc biệt là sinh viên, mà còn gây thiệt hại cho các cửa hàng. Nếu mọi người đua nhau "bom hàng" thì dần dần khách hàng sẽ nghĩ chỉ cần trả tiền ship là được, mà không nghĩ đến hậu quả về thời gian và doanh thu bị mất của các shop."
Theo luật sư Trương Quốc Hưng, Giám đốc Công ty Luật Bi Law, "bom hàng" không chỉ ảnh hưởng đến người bán mà còn gây thiệt hại cho shipper. Về bản chất, việc đặt hàng qua mạng giữa khách hàng và shop đã thiết lập một hợp đồng dân sự. Khi khách không nhận hàng, họ đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Bộ luật Dân sự 2015, đặc biệt là vi phạm quy định về giao dịch dân sự được thể hiện qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Như vậy, "bom hàng" là hành vi vi phạm pháp luật.
"Bom hàng" khi shipper giao hàng là vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo?
Luật sư Hưng cũng cho biết, dù "bom hàng" có thể được xem là cách thể hiện quan điểm "tẩy chay", nhưng hành vi này có thể gây ra hậu quả pháp lý và đạo đức nghiêm trọng. Tùy vào từng trường hợp, hành vi này có thể vi phạm các quy định về gian lận, lừa đảo hoặc mạo danh trong kinh doanh, làm tổn hại đến quyền lợi của người khác.
Để hạn chế tình trạng "bom hàng", luật sư Hưng khuyến nghị các shop cần kiểm tra kỹ thông tin khách hàng, lưu lại tin nhắn đặt hàng và yêu cầu đặt cọc trước với những đơn hàng có giá trị cao. Điều này giúp shop có cơ sở yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện khi cần thiết, bảo vệ lợi ích hợp pháp và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định.